Trong bài chia sẻ này, Thomas Nguyen Tailor & Design sẽ hướng dẫn cách lấy số đo may áo vest nam hoặc áo blazer nam một cách chi tiết và tận tình nhất. Các bạn có thể theo dõi và thực hiện theo video hoặc đọc hướng dẫn đã được trình bày đầy đủ bên dưới đây. Hy vọng sau khi xem xong bài viết này thì việc may đo từ xa nói chung và tự lấy số đo tại nhà nói riêng sẽ không còn là vấn đề khiến bạn phải đau đầu nữa.
MỤC LỤC
I. Video hướng dẫn cách lấy số đo may áo vest nam/ áo blazer nam
Nội dung video sẽ bao gồm những lưu ý trước và khi lấy số đo. Cùng với đó là tuần tự các thao tác cách lấy số đo may áo vest nam sẽ được thực hiện để bạn có thể dễ dàng quan sát. Hãy xem qua video để nắm bắt các kỹ thuật đo chuẩn xác nhất nhé! Nếu bạn có gặp bất cứ khó khăn gì, vui lòng nhắn tin trực tiếp về fanpage ; hoặc để lại thông tin trong form “Nhận tư vấn từ thợ may” ở phía cuối cùng nhé!
⇒ Xem thêm: Các phong cách âu phục vest đẹp được ưa chuộng nhất hiện nay.
II. Những lưu ý trước khi thực hiện lấy số đo cơ thể
Như đã đề cập đến ở trên, trước, trong hay sau khi lấy số đo, chúng ta đều sẽ có những điều cần lưu ý để quá trình diễn ra thuận lợi và số đo được chuẩn nhất. Hãy bắt đầu với các lưu ý trước khi lấy số đo như sau:
1. Trang phục của người được lấy số đo
– Người được lấy số đo nên sử dụng áo sơ mi hoặc áo thun. Bởi vì 2 loại áo này sẽ giúp chúng ta lấy số đo một cách chính xác nhất.
– Đối với quần thì người được lấy số đo nên sử dụng quần tây hoặc một số quần có loại vải không quá dày. Bởi vì với loại quần tây này thì chúng ta có thể lấy các loại số đo như lưng quần, mông, đáy hoặc đùi một cách chính xác nhất.

⇒ Xem thêm: Địa chỉ may đo âu phục nam uy tín.
2. Tư thế của người được lấy số đo
– Người được lấy số đo nên đứng thẳng lưng, không ưỡn ngực, không hóp bụng, không nên để tư trang ở trong túi quần, túi áo.
– Tốt nhất nên nhờ một người khác lấy số đo, không nên tự thực hiện. Chúng ta hoàn toàn có thể tự lấy số đo tại nhà nhưng không nên tự mình lấy số đo cho bản thân mình. Đừng nhầm lẫn 2 vấn đề này nhé!
3. Dụng cụ lấy số đo
Các bạn cần chuẩn bị một thước dây và một file lấy số đo.
– Thước dây nếu không có sẵn thì bạn có thể tìm mua tại các nhà sách; hoặc cửa hàng tiện lợi; hoặc các cửa hàng cung cấp phụ kiện may đồ; thậm chí là ngay trên các trang thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki, sendo… Giá của nó chỉ dao động khoảng vài chục ngàn. Không chỉ dùng một lần, bạn có thể dùng thước dây này để theo dõi các chỉ số cơ thể định kỳ.

– File lấy số đo sẽ được đính kèm tại đây, các bạn có thể download và sử dụng.
4. Cách đặt thước dây và ghi nhận số đo
– Đối với các số đo ngang cơ thể, thước dây nên đặt ngang và song song với mặt đất.
– Đối với các số đo có đường cong thì thước dây nên bám sát theo đường cong của cơ thể.
– Về cách ghi nhận số đo: theo file mọi người đã download về, chúng ta nên ghi nhận thứ tự từng số đo một, tránh bỏ sót và nhầm lẫn.
III. Các bước cách lấy số đo may áo vest nam
Không đơn giản chỉ là cách lấy số đo 3 vòng mà đây là cách lấy số đo may áo vest (âu phục). Chúng cần nhiều chi tiết lên đến 17 phép đo. Hãy bắt đầu cùng Thomas Nguyen nhé!
1. Số đo cổ
Khi đo cổ, thước dây cần đi theo chiều nghiêng của cổ áo sơ mi. Các bạn có thể để một lóng ngón tay ở trong thước dây để đảm bảo cho cổ không chật quá và cũng không rộng quá, khi gài nút áo sẽ thoải mái.

2. Số đo vai
Áo vest và áo blazer thường sẽ có một lớp đệm lót khoảng 0.5 cho đến 1cm, thì nó sẽ khiến cho vai hơi nhô lên. Khi lấy số đo vai, mọi người cần lưu ý xác định chính xác điểm nối giữa vai và cánh tay ở độ cao đệm lót 0,5 đến 1cm. Xác định điểm nối giữa cánh tay và vai chính xác và vừa phải sẽ giúp phần cánh tay áo được thẳng đẹp, và vai ôm vừa khít vào lớp đệm vai áo.
Để lấy số đo vai, chúng ta sẽ đo từ điểm nối giữa vai và cánh tay bên trái qua điểm nối giữa vai và cánh tay bên phải. Thước đo sẽ ôm theo phần vai.

3. Số đo hạ vai
Khi lấy số đo hạ vai, ta cần xác định điểm chân cổ (điểm cuối cùng của gáy hoặc điểm cao nhất của chân cổ áo). Từ điểm chân cổ này gióng thước dây ngang song song với mặt đất. Số đo hạ vai là số đo từ đầu thước dây cho đến điểm nối giữa vai và cánh tay.

4. Số đo bắp tay
Khi lấy số đo bắp tay, chọn phần to nhất của bắp tay và đo một vòng quanh bắp tay để lấy số đo.

5. Số đo bắp chuối
Bắp chuối là phần ở dưới khuỷu tay và nhô lên. Chúng ta cũng đo tương tự như bắp tay là đo 1 vòng quanh bắp chuối.

6. Số đo cửa tay
Khi lấy số đo cửa tay, mọi người cần xác định mình muốn mặc tay dài đến đâu. Rồi chúng ta sẽ đo một vòng ngay vị trí đó để lấy số đo thành phẩm của cửa tay.

7. Số đo hạ bắp tay & hạ bắp chuối
Số đo của hạ bắp tay được xác định từ điểm nối giữa vai và cánh tay xuống vòng bắp tay đã đo. Tương tự với số đo hạ bắp chuối sẽ xác định từ điểm nối giữa vai và cánh tay xuống vòng bắp chuối đã đo.
8. Số đo dài tay
Số đo dài tay rất quan trọng. Nó được xác định từ điểm nối giữa vai và cánh tay đến vị trí chúng ta đã đo cửa tay. Nhưng lưu ý cần phải ôm theo đường cong của cánh tay.

9. Số đo nách
Số đo nách là số đo nách đo 1 vòng quanh nách đến điểm nối giữa vai và cánh tay.

10. Số đo ngực
Với số đo ngực, chúng ta sẽ đặt thước dây song song với mặt đất, đi qua điểm lớn nhất của ngực.

11. Số đo eo
Giữa ngực và bụng sẽ có một điểm nhấn eo. Đối với một số người eo là phần nhỏ nhất nhưng cũng có những trường hợp ngược lại eo lớn hơn bùng. Do đó bạn cần lưu ý vị trí nhấn eo chính xác là giữa bụng và ngực (trên rốn). Chúng ta sẽ đo thước dây song song với mặt đất, ngay điểm nhấn eo này.

12. Số đo bụng
Tương tự với số đo bụng, chúng ta sẽ chọn điểm bụng lớn nhất và đo thước song song với mặt đất.

13. Số đo hạ ngực & hạ eo
Chúng ta sẽ lấy điểm nối giữa thân trước, thân sau và chân cổ. Gióng thước thẳng xuống ngang với điểm đã đo ngực gọi là hạ ngực và ngang với điểm đã đo eo gọi là hạ eo.

14. Số đo dài áo trước
Đối với số đo dài áo trước, có 2 cách để xác định:
– Cách thứ nhất chúng ta sẽ xác định qua đỉnh mông một chút xíu. Bằng cách gióng thước ngang như thế này, lấy một điểm ở phía trước.

– Cách thứ hai để xác định dài áo trước, đó là vị trí ở giữa ngón cái, giữa ngón cái sẽ trùng với dài áo trước. Chúng ta cũng sẽ đo từ trên xuống, ngay điểm nối giữa thân trước, thân sau và chân cổ. Kéo xuống ngang với giữa ngón cái.

15. Số đo hạ eo sau
Hạ eo sau là điểm cong nhất của eo sau. Chúng ta đo từ chân cổ đến điểm này.

16. Số đo dài áo sau
Với số đo dài áo sau, chúng ta sẽ đo từ chân cổ đi qua điểm cao nhất của mông khoảng 2cm.

17. Số đo mông áo
Số đo cuối cùng của một áo vest nam là số đo mông áo. Chúng ta sẽ đo ở vị trí đỉnh mông và thước dây song song với mặt đất.

Vậy là Thomas Nguyen Tailor đã hoàn tất từng bước hướng dẫn cách lấy số đo may áo vest/ áo khoác blazer. Bây giờ chúng ta sẽ cùng đến với một vài lưu ý sau khi đo nhé!
IV. Những lưu ý sau khi lấy số đo may áo vest
Sau khi lấy tất cả các số đo, chúng ta nên quan sát đặc điểm của cơ thể người được lấy số đo để xem thử họ có thuộc các trường hợp sau đây không?
– Thứ nhất, lưng của người được lấy số đo có gù hoặc quá thẳng hay không.
– Cột sống có quá cong hoặc quá thẳng so với bình thường.

– Phần mông và phần ngực có nhô lên ít hay nhiều hoặc quá lớn, quá nhỏ.
– Tiếp theo chúng ta sẽ quan sát phần vai, hai bên vai trái và phải có lệch hay không, vai có quá to quá nhỏ.
– Các số đo có bên trái và bên phải như bắp tay, bắp chuối, dài tay, dài quần, đùi, gối có chênh lệch hay không và cần lưu ý lại.
Cuối cùng, một mẹo nhỏ để sở hữu những bộ trang phục tôn dáng và che khuyết điểm tốt nhất. Đó là mọi người nên gửi hình chụp toàn thân phía trước và ngang bên cạnh về Thomas Nguyen để thợ may bên chúng tôi có thể đưa ra lời khuyên may đo phù hợp nhất dành cho bạn.
Vừa rồi, Thomas Nguyen đã hướng dẫn chi tiết cách lấy số đo của áo vest nam. Hy vọng các bạn có thể thực hiện tại nhà. Nhớ like và subscribe kênh youtube của Thomas Nguyen để nhận được những video hữu ích tiếp theo.
Nếu bạn muốn được tư vấn may đo hay giải đáp thắc mắc, vui lòng nhắn tin về fanpage Thomas Nguyen Tailor & Design; hoặc các thông tin liên hệ khác bên dưới đây để được tư vấn trong thời gian sớm nhất.
THOMAS NGUYEN | TAILOR & DESIGN